Trường Nguyễn Hiền – năm tháng khó quên
Những trang viết của tôi tuy không phản ánh hết “lịch sử” của trường trong thời gian đó, nhưng là tấm lòng chân thực của một người đã gắn bó, đã hết lòng với ngôi trường này.
1. Một buổi chiều vào hạ tuần tháng 10 năm 2010, tôi ra khỏi cổng trường, xuống đường Núi Thành một đoạn rồi vòng lại ngã tư Phan Đăng Lưu – Lê Thanh Nghị để đến trước cổng trường Nguyễn Hiền. Dừng lại, nhìn vào trường một lần nữa… Trong sân có một số em học sinh còn nán lại để chơi bóng. Các em vô tư không biết có một ông giáo già đang thơ thẩn nhìn vào… như tìm cái gì vừa mất!
Rồi ai nấy cũng như tôi. Cũng đến. Cũng đi. Nay lại quay về cố quận!
Ngày đến trường Bán công Hòa Cường nhận việc mà lại trình diện tại trường Trung học cơ sở Tây Sơn. Cái “nhầm lẫn” cố tình này như báo trước những tháng ngày không êm ả của một ngôi trường vừa mới thành lập! Đúng là cái vận hạn lao đao nó đeo đuổi trường trong nhiều năm sau đó. Như để thử thách tính kiên trì và sự nỗ lực của con người. Và, chỉ riêng cái tên trường cũng gợi lên nhiều suy nghĩ. Đó là từ Trường Trung học phổ thông Bán công Hòa Cường ở “cấp phường” sau được “nâng” lên để mang tên một vị Tiến sĩ tuổi trẻ tài cao Nguyễn Hiền, mất chẵn mấy năm và phải gần một con giáp (12 năm) mới tới được vùng đất thiên “Công tự chủ”. Cái tên mới nghe thật ngồ ngộ! Nhất là với bà con người Quảng Nam! Trong mười mấy năm đó đã có biết bao nhiêu câu chuyện đến với ngôi trường này. Mà trên hết là sự nỗ lực như một quyết tâm của thầy cô và nhiều thế hệ học sinh đã cống hiến công sức để có trường, có lớp như hôm nay. Và, ai đã từng có mặt ở đây vào những tháng ngày đó đều được ngấm trải và không quên vị đắng của sự bất cập tưởng không thể xảy ra ở một ngôi trường thuộc trung tâm thành phố!
Mở trường là một chủ trương kịp thời của lãnh đạo tỉnh. Vì học sinh lớp 9 đông mà trường Trung học phổ thông lại thiếu. Nhưng thêm trường thì ngân sách không chịu nổi nên lại mở trường bán công để huy động sức dân (đóng học phí). Ngôi trường mới ra đời với cơ chế mới là tự thu, tự chi, tự hợp đồng giáo viên, nhân viên … Đây là một quyết tâm của lãnh đạo để nhiều em học sinh còn có cơ hội cắp sách đến trường. Thế đấy. Vùng đất này mỗi khi gặp khó khăn thì lại nghĩ ra những giải pháp mới để giải quyết tình hình. Sau đó, có thêm trường Tư thục, Trung cấp chuyên nghiệp…góp phần hạ nhiệt tình hình tuyển sinh của thành phố. Và cũng nhờ được giao trách nhiệm tự chủ trong công việc nên trường đã tuyển chọn số giáo viên có năng lực, nhiệt tình…
2. Khi nói về việc đã qua, tâm lý chung là nêu khó khăn để khẳng định thành quả. Trường Trung học phổ thông Bán công Nguyễn Hiền thì không hẳn thế. Mà muốn đề cập đến cái cơ chế, cái quyết tâm của địa phương cố “xé rào” trong giáo dục để phát triển. Nhưng cơ chế chung bây giờ chưa cho phép, làm cho giáo viên một thời khốn khó! Giá như lúc đó, nhà trường được phép hưởng một qui chế, điều lệ mới; được cân đối thu chi; được mua bảo hiểm… như kế hoạch của lãnh đạo, thì biết đâu, chúng tôi xây dựng được một ngôi trường như lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau này là thành phố Đà Nẵng mong muốn! Nên có chuyện cười ra nước mắt là kinh phí thiếu triền miên. Năm nào Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phải xách cặp đi xin để bổ sung cho cái trường đã lỡ “bán” cái “công”… Tết nhất anh em không có đồng bạc để mua quà cho con. Đau ốm, tai nạn… không có bảo hiểm. Hè không có lương, giáo viên không được đi coi thi, chấm thi và dĩ nhiên không thể phát triển đề bạt, cất nhắc được… Chỉ vì “hợp đồng”! Bây giờ là chuyện “lạ tai” nhưng lúc đó là chuyện “thường ngày” xảy ra ở trường Nguyễn Hiền! Thế mà các cô, các thầy, anh chị em nhân viên đều hăng hái làm việc để bồi đắp nên một ngôi trường bề thế như ngày hôm nay. Không những thế, nhiều bạn học xong đại học (nhân viên hành chính) và nhiều cô giáo, thầy giáo tốt nghiệp cao học (trong số đó, nay có hai tiến sĩ) và đạt các yêu cầu nâng cao nghiệp vụ và các hoạt động giáo dục khác… mà một trường công lập chưa hẳn hơn. Tôi tự hào về họ. Những đồng nghiệp thân thiết của mình!
3. … “Thầy ơi, thầy cố gắng giữ gìn sức khỏe”… đó là những tâm sự các em tỏ bày… mỗi khi thấy tôi buồn phiền, lo âu về việc gì đó, có thể là lúc thi cử hay khi có em chưa ngoan! Như hồi em Nguyễn Đức Phúc, Phạm Thị Minh Thư, Trà My… các em Minh Hiệu, Ngọc Tuyền, Duy Hải… sau giờ bãi học, các em thập thò ngoài cửa, nhìn trước ngó sau như kiểu canh “trộm” vật gì, rồi ào vào phòng, vây quanh lấy tôi, em nắm tay, ôm vai, bá cổ, em thì vỗ vào lưng, vò đầu… như tôi là đứa bé không bằng… Các em nói được mỗi câu như trên rồi biến nhanh ra cửa, như lúc vào, vẻ sợ có người phát hiện. Những lần như thế, tôi ở lại trường, không về, đi rửa mặt… dù không khóc!
Dạy học là một công việc khó nhọc. Dạy học để học trò thành người hữu dụng cho xã hội lại là một câu chuyện dài khác, đòi hỏi sự kiên trì và nhân ái. Có trường hợp tác dụng ngay, có trường hợp lâu dài. Mỗi em có một hoàn cảnh. Nhưng tựu trung là có nhiều em khó khăn. Khó khăn về việc học tập, về điều kiện kinh tế, về hoàn cảnh gia đình… Trong số đó, rất nhiều em là tấm gương sáng. Làm cho chúng ta phải giật mình! Như có nhiều em nghèo quá, phải lao động mới có tiền ăn học thế mà lại từ chối chiếc xe đạp của thầy Nguyễn Đăng Dương, chủ tịch Hội Khuyến học, tặng với lý do đơn giản là để nhường cho bạn khác khó khăn hơn! Có em ở Vĩnh Điện, mồ côi, sống với bà cô họ, nhưng không nhận tiền hỗ trợ của nhà trường cũng vì lý do trên… Có em ba năm học là ba năm đi bán vé số như em Tịnh Hương… em Bích Thu vừa đi học vừa lao động nuôi mình và nuôi em gái… Chính những tấm gương ấy đã động viên chúng tôi… Nhiều em ra trường đã lâu, có gia đình, mỗi lần gặp thầy cô đều ân cần chào hỏi… có em thành đạt, có em vất vả… Nhưng các lớp, các em đều liên lạc và luôn hỗ trợ nhau… nếu lấy cuộc sống làm hệ qui chiếu thì mục đích giáo dục của chúng ta gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp.
Nên, tôi tin tưởng vào học trò của mình!
4. Nhưng mà, nói như thi hào Nguyễn Du:
… “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài”…
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Đúng là ngày vui của trường quá ngắn ngủi. Vì thời gian chuyển qua trường công lập chưa được mấy ngày (14.07.2008) thì “tai họa” ập đến! Ở đây không phải cái thời gian tâm lý “tự” rút ngắn, thúc giục hai người yêu nhau phải chia tay. Mà thầy trò chúng tôi phải chia tay nhau, mãi mãi. Có thể lắm. Vì trường Trung học phổ thông Nguyễn Hiền đã được “bút phê” bán cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng để họ lập trường Tư thục iSCHOOL.
Chuyện không phải là tiểu thuyết mà tác giả chỉ cần “lái” cây bút để đoạn kết có hậu là được. Mà đây là cuộc “giải trình” qui mô để xã hội thấy rằng 2.360 em học sinh nghèo còn trường để học là đúng đắn. Bốn lần họp để “thống nhất” sự bán mua; trong đó có ba lần họp tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng. Mở đầu cuộc họp thứ nhất lúc 14 giờ, ngày 10 tháng 10 năm 2009 và kết thúc tại cuộc họp thứ tư lúc 8 giờ ngày 08 tháng 01 năm 2010 tại phòng họp số 1, UBND thành phố Đà Nẵng; bốn tờ báo, trong đó tờ Giáo Dục và Thời Đại mở đầu, tờ Công An Đà Nẵng hai lần lên tiếng và hai tờ Tuổi Trẻ, Hoa Học Trò; cùng bài phóng sự của Đài tiếng nói Việt Nam…đề nghị để trường lại cho học sinh học, không bán cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Sự ủng hộ của Sở Giáo dục, của Quận Hải Châu; nhất là 97 chữ ký trong bảng kiến nghị của nhà trường… đã làm cho chiếc xe vừa ủi vừa xúc của ông Hoàng Quốc Việt, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng phải quay đầu lại! Không húc ngã được trường Nguyễn Hiền!
Các em còn trường để học!
Tháng 10 năm 2015
Phạm Úc
(Nguyên Hiệu trưởng)